Hình ảnh

 

Liên kết website

 
 
 
 
 
 
 
 
Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên nước: Nguồn nước mặt của Bà Rịa - Vũng Tàu chủ yếu do ba con sông lớn cung cấp, đó là sông Thị Vải, đoạn chảy qua tỉnh dài 25 km, sông Dinh đoạn chảy qua tỉnh dài 30 km, sông Ray dài 120 km. Trên các con sông này có 3 hồ chứa lớn là hồ Đá Đen, hồ sông Ray, hồ Châu Pha…

Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm của tỉnh cũng khá phong phú, tổng trữ lượng có thể khai thác là 70.000 m3/ngày đêm, tập trung vào ba khu vực chính là: Bà Rịa – Long Điền 20.000 m3/ngày đêm; Phú Mỹ - Mỹ Xuân 25.000 m3/ngày đêm; Long Đất – Long Điền 15.000 m3/ngày đêm. Ngoài ba vùng trên, khả năng khai thác nước ngầm rải rác khoảng 10.000 m3/ngày đêm. Nước ngầm trong tỉnh nằm ở độ sâu 60 - 90 m, có dung lượng dòng chảy trung bình từ 10 - 20 m3/s nên khai thác tương đối dễ dàng. Các nguồn nước ngầm có thể cho phép khai thác tối đa 500.000 m3/ngày đêm, bảo đảm cung cấp đủ nước cho nông nghiệp, công nghiệp và cho sinh hoạt.

2. Tài nguyên đất

Với diện tích 197.514 ha, chia thành 4 loại: đất rất tốt là loại đất có độ phì rất cao, chiếm 19.60% diện tích tự nhiên, chủ yếu là đất phù sa và đất xám; đất tốt chiếm 26,40%; đất trung bình chiếm 14,4%; còn lại 39,60% là đất nhiễm phèn, mặn, đất xói mòn.

Đánh giá các loại đất của Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy: nhóm đất có ý nghĩa lớn cho sản xuất nông – lâm nghiệp chiếm 60%, tỷ trọng này tương đối lớn so với nhiều tỉnh trong cả nước. Nhóm đất này bao gồm đất phù sa, đất xám, đất đen và đất đỏ vàng. Điều này cho phép tỉnh có thể phát triển một nền nông nghiệp đủ mạnh. Ngoài ra, còn một tỷ trọng lớn đất không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp bao gồm đất cát, đất nhiễm phèn, mặn, đất xói mòn…

3. Tài nguyên rừng

Diện tích rừng của Bà Rịa - Vũng Tàu không lớn. Đất có khả năng trồng rừng là 38.850 ha, chiếm 19,7% diện tích tự nhiên, trong đó đất hiện đang có rừng là 30.186 ha (rừng tự nhiên là 15.993 ha, rừng trồng là 14.253 ha), như vậy còn khoảng 8,664 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng.

Hiện nay tỉnh có hai khu rừng nguyên sinh là: khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu có diện tích 11.392 ha và khu vườn quốc gia Côn Đảo diện tích gần 5.998 ha. Tài nguyên rừng đang có xu hướng giảm, các loại rừng giàu (trữ lượng gỗ trên 180 m3/ha) không còn, rừng trung bình chỉ còn lại 1,5% diện tích có rừng. Trước kia trong rừng có trên 700 loài gỗ, thảo mộc và hơn 200 loài động vật trong đó có nhiều loại gỗ và động vật quý hiếm nhưng đến nay hầu như các loại gỗ và động vật quý hiếm không còn.

Rừng của Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ có tầm quan trọng trong tạo cảnh quan, môi trường, phòng hộ và phát triển du lịch, còn việc khai thác rừng lấy gỗ, nguyên liệu không lớn.

4. Tài nguyên khoáng sản

Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều loại khoáng sản, nhưng đáng kể nhất là dầu mỏ, khí thiên nhiên và khoáng sản làm vật liệu xây dựng, Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong vùng có tiềm năng lớn về dầu mỏ và khí thiên nhiên của Việt Nam. Tổng trữ lượng tiềm năng dầu khí theo xác minh năm 2000 vào khoảng 2.500 – 3.500 triệu m3 (bao gồm dầu 957 triệu m3, khí 1.500 tỷ m3). Trong tổng trữ lượng dầu khí đã xác minh, vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu có trữ lượng là 400 triệu m3 dầu, chiếm 93,29% trữ lượng cả nước; trữ lượng dầu khí khoảng trên 100 tỷ m3, chiếm 16,2% trữ lượng khí cả nước.

Tài nguyên dầu khí với tổng trữ lượng tiềm năng và tổng trữ lượng đã xác minh, đủ điều kiện để tỉnh phát triển công nghiệp dầu khí thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp cả nước và đưa Bà Rịa - Vũng Tàu thành một trung tâm khai thác và chế biến dầu khí lớn nhất Việt Nam.

Khoáng sản làm vật liệu xây dựng của Bà Rịa - Vũng Tàu rất đa dạng, bao gồm: đá xây dựng, đá ốp lát, phụ gia xi măng, cát thuỷ tinh, bentonit, sét gạch ngói, cao lanh, cát xây dựng, than bùn, immenit… Hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng 19 mỏ với tổng trữ lượng 32 tỷ tấn, phân bố ở hầu khắp các huyện trong tỉnh, nhưng chủ yếu ở các huyện Tân Thành, Long Đất, thị xã Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu. Chất lượng đá khá tốt, có thể dùng làm đá dăm, đá hộc cho xây dựng; giao thông, thuỷ lợi, đá khối cho xuất khẩu. Nhìn chung các mỏ nằm gần đường giao thông nên khai thác thuận lợi.

Đá ốp lát có 8 mỏ lớn với tổng trữ lượng 1.324 triệu m3, chủ yếu nằm ở huyện Côn Đảo. Chất lượng đá tốt, màu sắc đẹp, nguyên khối lớn; phụ gia xi măng có 6 mỏ thuộc 3 huyện Long Đất, Xuyên Mộc và thị xã Bà Rịa, tổng trữ lượng 44 triệu tấn. Các mỏ đều có điều kiện khai thác thuận lợi, có thể khai thác làm chất kết dính, phụ gia xi măng. Tuy nhiên do xa nơi tiêu thụ nên giá thành cao, ít có ý nghĩa kinh tế; cát thuỷ tinh, có 3 mỏ thuộc hai huyện Xuyên Mộc và Tân Thành, tổng trữ lượng 41 triệu tấn, chủ yếu là cát trắng thạch anh và cát thuỷ tinh. Điều kiện khai thác thuận lợi nhưng chất lượng cát chỉ ở mức trung bình có thể sử dụng làm thuỷ tinh cấp thấp như bao bì và hàng dân dụng.

Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu còn có một trữ lượng đáng kể các loại khoáng sản vật liệu xây dựng khác như sét gạch ngói, cao lanh, cát xây dựng, bentonit… nằm rải rác ở nhiều nơi, cho phép hình thành ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng rộng khắp trong tỉnh.

5. Tài nguyên biển

Bà Rịa - Vũng Tàu có bờ biển dài 305,4 km, trong đó khoảng 70 km có bãi cái thoai thoải, nước xanh, có thể dùng làm bãi tắm quanh năm. Vịnh Giành Rái rộng khoảng 50 km2 có thể xây dựng một hệ thống cảng hàng hải.

Với diện tích thềm lục địa trên 100.000 km2 đã tạo cho tỉnh không những có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, mà còn tạo ra một tiềm năng to lớn để phát triển các ngành kinh tế biển.

Thềm lục địa của Bà Rịa - Vũng Tàu có 661 loài cá, 35 loài tôm, 23 loài mực, hàng ngàn loài tảo, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng hải sản có thể khai thác tối đa hàng năm từ 150.000 – 170.000 tấn.

Tài nguyên biển của Bà Rịa - Vũng Tàu rất thuận lợi cho phát triển vận tải biển, hệ thống cảng, du lịch và công nghiệp khai thác, chế biến hải sản.

 

Theo TN - MT